Một lần đến Bình Ba

Trái ngược với nỗ lực thức sớm của tôi, sáng hôm sau xe bus vào Cam Ranh vẫn đến muộn gần một tiếng đồng hồ so với lịch trình thường nhật của nó vì lý do hỏng máy. Khi tôi bước lên xe đã gần như kín chỗ. Chọn một chỗ trống ở băng cuối, tôi nhanh chóng làm quen với vị khách ngồi kế bên. Bác không phải là người Nha Trang gốc, nhưng đã sống ở đây cũng mấy mươi năm nên khá am tường. Bác đi cùng hai ông bạn vào một suối nước nóng ở Cam Ranh thư giãn dịp cuối tuần. Qua cách nói chuyện tôi đoán chắc bác là một tri thức già về hưu nhưng những băn khoăn về thời cuộc thì vẫn còn đầy. Biết tôi là người miền Tây, vậy là bác lại có dịp ôn lại kỉ niệm xưa với những người bạn Đồng Tháp bác tình cờ quen biết hơn chục năm về trước. “Dân ở dưới đó uống rượu dữ lắm, cứ mỗi lần ngồi lên mâm cơm là phải làm vài ly, cuộc sống không lo toan gì nhiều”, bác hào hứng kể, sau khi kèm một câu xin lỗi lịch sự. Thi thoảng tôi lại chen vào câu chuyện về con đập Xayaburi hay những vấn đề về nhân quyền mà bác hào hứng chia sẻ bằng vài câu hỏi về nhà cửa, đường xá và cảnh quang của vùng đất Khánh Hòa này. Trong một buổi sáng đẹp màu nắng có lẽ bàn những chuyện chính trị không phải là một ý tưởng thú vị cho lắm, nhất là với một kẻ chỉ thích rong chơi như tôi.

Những câu chuyện dường như cũng tới hồi kết của chúng, nhường chỗ cho sự trầm ngâm của hai bác cháu. Thật ra thì tôi đang trầm ngâm về những thứ khác đang lướt đi đều đều bên ngoài khung kính xe. Như một thói quen, lúc nào lên xe tôi cũng luôn chọn vị trí kề cửa sổ để tiện bề ngó nghiêng thế giới bên ngoài đang bị chiếc xe bỏ lại. Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ cho đến nay chuyện ngồi xe với tôi chưa bao giờ là chuyện nhàm chán. Thậm chí là bốn năm trời đại học ngồi xe bus cũng không phải là một điều gì quá khó khăn hay phiền phức với thằng nhóc sinh viên khi ấy, vì cậu ta luôn biết tìm thấy những thứ thú vị hai bên đường, và khi đã không còn điều gì mới mẻ nữa thì cậu ta đã có vô số thứ thân quen để hồi tưởng lại. “Con hẻm ấy hồi trước mình hay vào mua bánh mì”, “kế bên nhà hàng kia hồi đó có quán chè rất ngon”, “Chỗ ống thoát nước nọ có lần mình vấp té sưng móng” và những chuyện đại loại như vậy. Người ưa quan sát luôn có đầy những câu chuyện để kể khi cần.

Bến xe bus nằm cạnh một sân bóng mini. Chào tạm biệt người đồng hành lớn tuổi trên xe bus kèm một lời chúc chuyến đi vui vẻ, tôi vội ba chân bốn cẳng chạy về hướng dẫn ra cảng Ba Ngòi, và sau khi tranh cãi nảy lửa với tay chạy xe ôm đòi năm mươi ngàn cho hành trình vỏn vẹn hai cây số thì tôi đã trông thấy Thanh và Thúy – hai người bạn đồng hành mới – đang ngồi đợi sẵn từ hơn một giờ trước, giữa một biển người cũng cùng ý định ra đảo với bọn tôi.

Chúng tôi nhanh chóng từ bỏ ý định ra đảo bằng tàu chợ do quá choáng ngợp trước lượng khách đang đổ dồn về cuối bến. Trong thời gian chờ đợi tôi có lẽ hai cô bạn đã đánh giá được tình hình nên kịp nhanh chóng liên hệ với một nhóm bạn trẻ khác để cùng thuê ca nô ra đảo. Không khó để tìm ra một chiếc ưng ý ở cảng. Trước đây chỉ có một loại phương tiện duy nhất kết nối giữa đảo và đất liền là con tàu chợ chạy vào mỗi sáng hàng ngày. Nhưng từ vài ba năm trở lại đây, khi mà tên tuổi của đảo Bình Ba được dân phượt lăng xê trên các diễn đàn du lịch thì nó đã nghiễm nhiên trở thành điểm đến khá hot cho giới trẻ. Địa điểm này khá thuận lợi, nhất là với người Sài Gòn vì đảo không xa bờ là mấy, gần sân bay Cam Ranh, lại có vô số tuyến xe khách chạy suốt ngày đêm ngang qua. Đi Bình Ba dễ như đi chợ.

IMG_5462

Bến tàu ra Bình Ba trước giờ tàu chợ nhổ neo

Vậy nên nó đã trở thành một cái chợ thật sự cho giới du lịch. Bình Ba cùng với Bình Hưng và Bình Lập là các đảo và bán đảo thuộc thành phố Cam Ranh. Khác với đảo Bình Hưng tôi vừa ghé thăm mấy ngày trước, đảo Bình Ba có diện tích rộng hơn, dân cư đông hơn và nhiều địa điểm du lịch hơn. Cư dân trên đảo từ lâu gắng bó với nghề nuôi tôm hùm nên nhìn chung cuộc sống nơi đây rất khấm khá, không thua kém gì trong đất liền, nếu không muốn nói có nhiều nét nhỉn hơn. Dịch vụ du lịch vì thế mà cũng phong phú và xô bồ không kém.

IMG_5544

“Đảo tôm hùm”

Sau nửa tiếng vi vu trên chiếc ca nô lướt êm trên vịnh Cam Ranh chúng tôi cuối cùng cũng đến đảo. Ấn tượng đầu tiên về đảo này chính là sự nhộn nhịp và đông đúc do những người khách như chúng tôi tạo ra. Nên nếu bạn muốn tìm cảm giác yên bình, muốn tận hưởng cảm giác êm ái dạo bước trên bãi biển hoang sơ thì tốt nhất là loại Bình Ba ra khỏi danh sách đầu tiên.

Bỏ ngoài tai những lời giới thiệu về dịch vụ nhà nghỉ, chúng tôi đi thẳng vào khu chợ để hỏi đường ra bãi Nồm, gần đó có một chỗ dừng chân ông anh đã giới thiệu cho tôi từ trước. Không ngoài dự đoán, nhà nghỉ này đã kín phòng từ mấy ngày trước. Tuy nhiên cũng không khó khăn gì để tìm một homestay trên hòn đảo du lịch này. Chỉ trong ít phút chúng tôi đã được người dân địa phương dẫn đến một nhà dân có cho thuê phòng. Giá khá tốt cho dân du lịch bụi.

IMG_5553

Thanh và Thúy – hai người bạn đồng hành mới

IMG_5742

Tôi và bãi Nồm

Đảo Bình Ba có ba bãi biển dễ đến nhất là bãi Nồm gần chỗ chúng tôi tá túc, bãi Nhà Cũ ngay cạnh căn cứ hải quân và bãi Chướng nằm không xa bãi Nồm là mấy. Do lúc chúng tôi đến đang là thời gian nhạy cảm trên biển Đông, bộ đội biên phòng phải phong tỏa lối vào bãi Nhà Cũ nên chúng tôi chỉ có thể đến hai bãi còn lại. Bãi Nồm là một bãi biển đẹp với làn nước trong và xanh như nước trong hồ bơi. Tuy nhiên nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy dưới đáy nước khá nhiều rác – hậu quả của các cuộc vui chơi trên biển để lại. Bãi Chướng là bãi biển đặc biệt nhất mà tôi từng đến. Thật ra nó cũng không hẳn là một bãi cát, mà chính xác hơn là bãi san hô. Khi thủy triều rút đi, đám san hô sẽ tự động lộ trên mặt nước cho du khách thưởng lãm. Chưa bao giờ tôi được ngắm san hô cận cảnh và bắt được những con hải sâm hay cầu gai mắc cạn dễ dàng đến vậy.

IMG_5671

Hải sâm ở bãi Chướng

Nói thêm về bãi Chướng. Khi chúng tôi đến thì đám san hô gần bờ hầu như đã bị bước chân thiếu ý thức của du khách giẫm nhát thành từng mảnh vụn, dù không khó để tìm ra lối đi giữa những bụi san hô. Hôm nay do thủy triều rút sâu nên đám san hô xa bờ hơi mới trồi hết lên mặt nước. Có lẽ hiếm khi triều cạn đến mức này, nếu không thì rạn san hô ngoài kia cũng chung số phận với anh em gần bờ của chúng. Phía trên bãi biển, người ta dọn ra hai nhà ăn lưu động phục vụ cho các đoàn khách, kèm theo đó là hai cặp loa mở cực đại loại nhạc xập xình vẫn hay được bán dạo ngoài đường, lâu lâu lại xen vào vài tràng “Dzô” như muốn xé nát sự yên bình của buổi trời chiều. Với tôi hòn đảo này đã bị bóc lộc trên danh nghĩa khai thác du lịch quá mức.

IMG_5691

Bãi Chướng khi triều rút

Nếu hỏi điều gì làm tôi thú vị nhất ở Bình Ba thì ngoài bãi san hô cạn này ra vẫn còn một thứ, đó chính là hàng ốc của một cô em dân đảo. Giống ốc mặt trăng mà người Lý Sơn gọi là ốc cừ, người hòn Sơn gọi là ốc cờ và ở đây có giá ba chục ngàn một ký luộc sẵn, ăn bao nhiên em cân bấy nhiêu. Theo lời Thanh và Thúy nói thì nước mắm em chủ quán pha quá ngon, còn tôi chỉ nhận xét rằng thịt ốc rất ngọt, nhưng ăn hơi cực vì vỗ liên hồi ốc mới chịu văng ra khỏi vỏ. Có những con phải cầu cứu đến cô chủ quán mới lôi ra được. Đôi khi những hàng ăn bình dân và dung dị như vậy lại có sức “gây thương nhớ” cho tôi còn nhiều hơn cả những buổi tiệc sang trọng. Chẳng thể gọi là đi chơi khi bạn không thể hòa nhập với cuộc sống của người dân tại vùng đất bạn đang đặt chân đến.

IMG_5520 IMG_5516 IMG_5527

Ẩm thực xứ đảo

Chúng tôi vào đất liền vào trưa hôm sau. Do không thể đến Resort Ngọc Sương hay Bãi Dài vì khoảng cách quá xa nên theo gợi ý của bác tài xế taxi, cả bọn quyết định đến khu suối nước nóng gần thành phố để ngâm mình chờ chuyến xe khởi hành trở về Sài Gòn vào tối hôm đó.

Bình luận về bài viết này