Quy Nhơn – Chuyện bây giờ mới kể

“Chú ngày xưa cũng đi nhiều lắm. Nhớ hồi trẻ cả đám kéo nhau chạy miết vô tới Tuy Hòa ăn xong đi về. Giờ mỗi thằng một nơi hết rồi. Con rể chú giờ làm trong Vũng Rô, thỉnh thoảng chú cũng vô đây thăm hai vợ chồng nó. Vậy ra con không phải dân xứ này hả?”

Mình gật đầu dạ, nói con ở miền Tây, nhưng cũng có chút thời gian tìm hiểu mảnh đất này. Rồi lại bùi ngùi nhớ đủ thứ chuyện hồi xưa.

Nói là nói vậy thôi chứ cũng cách đây có sáu bảy năm chứ đâu phải xưa gì. Lúc đó mình cũng còn “trẻ trâu” lắm. Mới lên Sài Gòn, cũng chịu bay chịu nhảy, một mình quải ba lô ra Phú Yên theo lời rủ rê của đứa bạn cùng sở thích viết blog. Chuyến đi đầu tiên mở đầu cho cả một hành trình rong rủi mà mình nghĩ chắc chắn là sẽ còn kéo dài lắm, cho tới khi đôi chân này đi không nổi nữa thì thôi. Còn chú nói chuyện với mình nãy giờ dân Quy Nhơn gốc, có điều sống xa quê lâu ngày quá thành thử giọng “mềm” đi đâu độ tám, chín phần rồi. Ngồi cùng xe, hai chỗ kế bên nhau nhưng do tối qua mình tranh thủ ngủ cho đỡ mệt nên sáng hôm nay hai chú cháu mới có dịp bắt chuyện làm quen.

Trời vừa mới sáng, ánh nắng cũng chỉ vừa đủ nhẹ để hong vàng một bên sườn núi Chóp Chài – ngọn núi hồi xưa mình từng bị cả đám chó của bộ đội nuôi trên đỉnh dí quyết liệt. Đi đi về về qua đoạn này mấy lần, mà hình như mỗi lần tới đây đều cũng tản sáng như vầy. Đi miết rồi thành thử nguyên đoạn đường từ đèo Cổ Mã tới tận Sông Cầu mình nằm lòng gần hết. Núi Đá Bia, ga Hảo Sơn, trạm thu phí Bàn Thạch, trường Lê Trung Kiên, sông Đà Rằng, Đầm Ô Loan, Dốc Đài, Dốc bà Ền, đèo Quán Cau, chỗ đường ray xe lửa cắt ngang Quốc lộ 1 là thị trấn Chí Thạnh, ngã ba hướng về La Hai ở phía tay trái, rồi tới cầu Ngân Sơn, thậm chí cái cầu hồi trước trong địa phận thị xã Sông Cầu mình định dừng lại chụp hình mà về gấp quá không ghé được nó vẫn còn y chang như vậy. Từng căn nhà, từng gốc dừa ở đây cứ như một phần quê nhà của mình, mà mình thì cứ trong tâm trạng của một thằng con xa xứ mấy chục năm nay mới lần mò về quê xưa chốn cũ.

IMG_7118Núi Chóp Chài trong nắng sớm

Lên xe hai chú cháu tranh thủ bàn với nhau đủ thứ chuyện cho mau tới Quy Nhơn. Mình tranh thủ hỏi chú coi ở Quy Nhơn có tiệm nào ngon để còn kêu thằng bạn chở đi cho nó bất ngờ “Sao mày biết hay vậy?”. Nhưng té ra chú cũng không rành lắm, vì thành phố giờ quy hoạch lại nhiều, mà chú cũng đi lâu quá rồi nên chỉ nhớ tên mấy món bún giò heo, gỏi cá trích, bánh hỏi lòng heo, bún cá, còn địa chỉ thì có nhớ cũng không trúng với bây giờ nữa. Vậy là kế hoạch tạo bất ngờ coi như đổ sông đổ biển.

Nói thêm một hồi thì thấy tấm bản quen thuộc chỉ địa phận thành phố Quy Nhơn đã lấp ló trước mắt. Lần thứ hai chính thức đặt chân tới thành phố biển này. Lần đầu là vào khoảng 6, 7 năm trước, mình phóng từ Phú Yên với thằng bạn ra đây, trong ngày rồi về, bỏ lại một cái lốp xe găm cây đinh bự tổ chảng ngay trong tiệm sửa xe gần khu Ghềnh Ráng. Phen này mình ra đây trong lòng cũng quyết tìm chỗ sửa xe rải đinh nọ (nhưng cuối cùng tiệm cũng dẹp từ đời nào, chỉ còn quán cà phê gần đó là còn hoạt động).

Đón mình là thằng Lộc lác. Dân Quy Nhơn chính gốc, sống tại Quy Nhơn từ nhỏ cho tới năm 18 tuổi xách đít vào Sài Gòn học cùng trường với mình. Thấy cha này cũng yêu thành phố quê hương lắm, suốt ngày nói chuyện quy nhơn quy định với quy hoạch, còn để tấm hình thành phố thân yêu làm ảnh đại diện trên trang cá nhân nữa. Chỉ có điều sau này mình mới nhận ra là cha chả không nói giọng Quy Nhơn như beo người ở đây mà thâu.

Ra Quy Nhơn thì phải ăn bún cá. Vậy là leo lên xe kêu cu Lộc chở đi. Nghĩ đi nghĩ lại thấy món bún mới đúng là món ăn độc đáo nhứt xứ Việt mình. Nếu phở chỉ có vài ba kiểu như phở bò, phở gà, phở cuộn, trên Pleiku có thêm phở khô, món hủ tíu thì có hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang, thì với nguyên liệu chính là bún, dân ba miền đã chế ra đủ thứ món ngon tuyệt vời mà có kể tới sáng chưa chắc gì hết. Riêng về bún nấu với cá thì miền Bắc có bún cá Hải Phòng, miền Nam có bún cá Châu Đốc (lại nhớ tới quán bún cá Châu Đốc trên đường Dương Bá Trạc bên Quận 8 có “chị đẹp” bán, chơi một tô là đã đời ông địa, với lại quán bún cá gần Châu Đốc, nhìn đi nhìn lại trong tô thấy đúng hai thứ là bún và cá), còn miền Trung tất nhiên là bún chả cá, nhiều khi có thêm sứa nữa. Trong Sài Gòn ngay ngã ba Tô Hiến Thành – Đồng Nai có quán bún chả cá Lệ Quy Nhơn, cu Lộc nói quán đó lấy chả trực tiếp từ ngoài đây vào luôn (hèn chi nó mắc động trời). Ngoài này bún cá là món bình dân, mười lăm ngàn một tô bao ngon bao no. Người nào biết ăn thì phải bỏ vô tô bún vài miếng hành tím ngâm giấm nữa mới là đúng điệu.

Ăn xong nó lôi mình đi cà phê chém gió một hồi rồi mới chở tới Tháp Đôi. Khu tháp nằm ngay trong thành phố nên cũng dễ đi. Gọi là tháp Đôi vì có hai tháp nằm cạnh nhau.  Tháp Chàm này kiến trúc có phần lạ hơn những ngôi tháp mình từng tới trước đây, dáng cao và nhỏ hơn, không biết có phải do lỗi trùng tu hay không. Ngoài ra thì nó cũng như bao tháp Chàm khác, nghĩa là trong tháp vẫn thờ linga và yoni, cửa vẫn quay về hướng Đông – hướng của sự sinh sôi và trên tường thì đầy rẫy mấy chữ thằng A love con B, thằng X yêu con Y và mấy chữ khốn nạn khác…

IMG_7119IMG_7127DSC00276

Buổi chiều theo yêu cầu của mình, anh bạn quý tiếp tục làm xế chở mình ra Ghềnh Ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử. Chỗ khắc thơ giờ dời đi đâu mất, xung quanh ngôi mộ nhìn hoang tàn hơn xưa nhiều lắm. Tiện thể mình cũng leo xuống bãi Đá Trứng ngắm Quy Nhơn từ xa. Nhớ hồi đó lần đầu tiên thấy bãi đá này là trong tấm hình của má, hỏi: “Chỗ nào sao ngộ vậy má?”, má trả lời mới biết. Nên lần đầu tiên ra đây vào mấy năm trước thấy hồ hởi lắm, không hiểu bằng cách nào mà sóng gió lại mài dũa tự nhiên ra những hòn đá như quả trứng khổng lồ như vậy. Giờ ghé lần thứ hai cái sự hồ hởi cũng lu mờ hơn phân nữa, một phần cũng vì rác quá nhiều. Hỏi thằng Lộc có thấy bãi đá này thú vị gì không, thấy nó lắc đầu không chút do dự.

DSC00280

DSC00284Bãi Đá Trứng, phía xa là thành phố Quy Nhơn

Hóa ra đường vào Ghềnh Ráng đi thẳng sẽ đến làng phong Quy Hòa. Vậy mà khi xưa mình cứ nghĩ nó là đường cùng, chạy đến bãi Tiên Sa rồi thôi. Đường nhỏ, vắng và hơi xuống cấp do đã có tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu thay thế. Thấy thằng bạn cứ chạy chậm dần chậm dần, hỏi ra nó nói nó sợ độ cao. Thì ra Quy Nhơn cũng có bánh bèo như bao nơi khác trên đất nước hình chữ S này.

Làng phong Quy Hòa trước là khu hoàn toàn biệt lập, chỉ có một con đường độc đạo vừa nãy dẫn tới đây. Ngày nay bệnh phong đã bị xóa sổ, nhưng con cháu của những người bệnh khi xưa vẫn bám trụ với mảnh đất đầy kỷ niệm đau đớn của ông cha họ để sinh cơ lập nghiệp. Dấu tích còn sót lại duy nhất của “làng cùi” là những căn nhà cũ kỹ bỏ hoang, cửa hướng ra biển, ngóng về thành phố Quy Nhơn nhộn nhịp. Mình không rơi vào hoàn cảnh như họ, nhưng có thể thấu hiểu được cảm giác ở bên đây ngóng sang thế giới lành lặn và hạnh phúc bên kia, chỉ cách một vùng biển êm êm mà xa vời diệu vợi. Biển Quy Hòa vì vậy mà tới giờ vẫn còn phản phất một nỗi buồn hiu hắt.

DSC00285

Hỏi ra mới biết bà của cu Lộc cũng là một bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bệnh phong. Nhưng giờ thì làng phong đã khác xưa nhiều. Tự nhiên nó trở thành một địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng cho những cặp đôi đang chuẩn bị vô mùa hạnh phúc. Lúc mình và cu Lộc tới cũng thấy một cặp đang tạo dáng dưới tán cây kế bên khu nhà hoang. Ngoài những khu nhà này, trong trại còn có rất nhiều tượng, và đa số là tượng Đức Mẹ. Cũng không có gì khó hiểu khi ngày xưa chính những người Cơ đốc giáo đã dang tay che chở cho biết bao nhiêu số phận bị xã hội ruồng bỏ.

DSC00291Một căn nhà hoang trong trại phong

IMG_20150804_155338Biển Quy Hòa

Chiều, tranh thủ lúc thằng bạn quý đi đá banh bỏ đứa bạn phương xa lại một mình, mình tranh thủ đi dạo dọc theo bãi biển Quy Nhơn ngắm hoàng hôn. Vẫn thói quen cũ là xách dép đi chân trần dọc theo mép nước để sóng biển liếm vào đôi bàn chân, thấy sao lòng thật bình yên. Bỗng trong lòng dâng lên một cảm giác là lạ, một chút yên bình, một chút thảnh thơi, một chút vui sướng. Mình đã đi qua bao nhiêu bãi biển? Gặp được bấy nhiêu con người thú vị? Học được bao nhiêu điều hay? Sẽ còn đi tiếp hay mệt mỏi quá đôi chân này?

IMG_20150804_170415Biển chiều Quy Nhơn

Cảm giác lạ chấm dứt đột ngột khi một trái banh suýt chút nữa là bay thẳng vào mặt. Đám cầu thủ cởi trần chạy theo nhặt bóng, kèm một câu xin lỗi cho vui miệng. Nhìn kỹ lại mới phát hiện một điều rằng đa phần trên bãi biển này là đám thanh niên cởi trần chơi bóng, đảo mắt 360 độ vẫn không tìm ra một bóng hồng bikini nào. Cũng không trách, do Đại học Quy Nhơn kế bên bãi biển, nên thành ra nơi này trở thành sân bóng cho các chú sinh viên vào mỗi buổi chiều. Nghĩ lại mình có chút ghen ghét khi nhớ về khoảng thời gian hít khói bụi và đi dạo dưới những chậu cau kiểng trong khuôn viên trường học ngày xưa.

Tối, cu Lộc dẫn đi ăn bánh xèo tôm nhảy. Nghe nó kể đây không phải là quán bánh xèo tôm nhảy ngon nhứt xứ nó, quán ngon nằm ở huyện, đông lắm. Nhưng do huyện ở xa nên ăn tạm chỗ này cho biết. Hỏi bánh xèo tôm nảy là gì thì nó bảo như bánh xèo bình thường, nhưng tôm còn tươi sống bỏ vào bánh luôn. Chắc do mình không có gu ăn bánh xèo nên thấy nó cũng bình thường như bao loại bánh xèo miền Trung khác, nho nhỏ, tròn tròn, không có nước cốt và bột nghệ, ăn kèm bánh tráng, hơi ngán. Xong hai thằng đi ra quán ven biển ngồi lai rai vài lon cho mát (cũng là phần mình thích nhất). Mình kêu dĩa gỏi sứa ăn thử. Sứa khá nhiều, nhưng dĩa gỏi cũng nhiều nước không kém, vị không đặc sắc bằng gỏi sứa mình làm. Bia uống bằng ly chấm bi huyền thoại.

IMG_20150804_195135Ly chấm bi trứ danh miền Trung

Nhiều khi nghĩ lại thấy mình có nhiều sở thích hơi bị ngược đời với người ta mà kể ra nhiều khi cũng hơi bất tiện, nhưng trong đó chắc lành mạnh nhất là sở thích xách mông lên và đi đây đi đó một mình, nhất là đi biển. Mà theo mình thì biển Việt Nam không miền nào đẹp bằng biển Diên hải miền Trung, từ Bình Thuận trở ra Đà Nẵng. Trong suốt mấy năm vừa rồi mình cũng đã tranh thủ lê dép hết các tỉnh Nam Trung bộ, duy chỉ còn biển Bình Định là chưa có dịp nhảy xuống tắm. Vậy nên sáng hôm sau dù cái đầu vẫn còn quay quay do lượng bia ngày hôm qua nhưng mình vẫn quyết tâm đánh trần mặt quần đùi đi bộ từ khách sạn gần bến xe ra tận bãi biển để tắm cho bằng được mới thôi. Cũng may không chết đuối.

Do cu Lộc bận chuyện đột xuất nên mình quyết định ra Đà Nẵng sớm hơn dự kiến. Hẹn gặp lại Nhơn Châu, Nhơn Lý một ngày không xa.

Bình luận về bài viết này