Ban Mê (P1): Viết tiếp chuyện những con thác

Bỗng một buổi sáng trời trong xanh bất chợt nhớ tiếng lao xao của tán cây rừng, nhớ những con dốc trong lòng phố, nhớ tiếng thác hoang sơ giữa đại ngàn, nhớ những chiếc cầu thang dốc dẫn lên những ngôi nhà dài đơn sơ, nhớ luôn cả những chuyến xe bus bão táp. Vậy là khăn gói về lại Ban Mê.

Giờ thì mình đã không còn là một thằng sinh viên – học viên quèn suốt ngày hết nhong nhong ngoài đường lại chúi đầu vào góc quán cà phê quen ngồi đồng nghe nhạc hay đọc sách của Haruka Murakami. Hiện tại mình đã có một công việc hẳn hoi, và dĩ nhiên là có tiền, dù khá ít ỏi, và cũng tất nhiên là không còn nhiều thời gian tự do bay nhảy như trước. Vậy nên sắp xếp mãi mới định được ngày khởi hành, bù lại, kéo thêm được ông anh cùng cơ quan đi cho có bạn có bè.

Ban Mê chào đón người trở lại bằng một món quà không thể quen thuộc hơn – ly cà phê giữa buổi sáng tháng Mười Một trời se sắt da thịt người. Chị chủ hàng cà phê vỉa hè kề bến xe biết khách phương xa hay lui tới nên chu đáo đốt thêm đống lửa cạnh mấy chiếc bàn con cho khách sửi ấm. Nên mặc cho tách cà phê nhỏ trên tay chưa đầy vài phút đã lạnh tanh, nhưng hai con người phương xa vẫn cảm thấy ấm áp trong từng giọt đắng dịu.

img_0931

Bọn mình vừa nhấm nháp cà phê vừa chờ người giao xe máy. Lần này trở lại ít nhất mình đã có tấm bằng lái xe lận lưng, không như lần đầu đến chỉ có thể di chuyển bằng xe bus (lại nhớ tới chuyến xe bus-lượn-siêu-tốc hồi năm năm về trước). Anh bạn mình – anh Triều – là một tay lái lụa hẳn hòi, đã từng rong ruổi vô số con đường trên bờ dưới ruộng, còn mình với trình lái xe hiện tại thì đúng trong tâm trạng của gã buồn ngủ vớ được mảnh chiếu manh.

Hai anh em phóng xe ra khỏi Ban Mê về hướng Đắk Nông để tới cụm thác Dray Sap, Dray Nur. Với mình đây chính là hai ngọn thác đẹp nhất đại ngàn Tây Nguyên này. Hai ngọn thác mang hết trong mình những gì điển hình nhất khi người ta nói về xứ bazan: hoang sơ mà hùng vĩ, chân chất nhưng cũng thật quyến rũ lòng người.

img_0946

Hoang sơ Dray Sap

dscf1126

Một góc Dray Sap

Đường vào thác Dray Sap vẫn vậy, có chăng khác chỉ là công ty du lịch đã đầu tư thêm một vườn thú mini gần khu ăn uống và vài bungalow cho khách nghỉ ngơi, và cây cầu treo đầu tiên dẫn qua thác Dray Nur kề bên giờ đã gãy. Vì nhiều lý do người ta đã không tu sửa lại, thay vào đó là một hàng rào lưới cắt lìa hai ngọn thác.

img_1016

Chuyện một chiếc cầu đã gãy

20161210_082649

Khe nước mình đã từng tìm đến để giải tỏa cơn khát hồi năm năm về trước

Men theo con đường len lỏi bóng cây rừng, mình và ông anh cứ thế leo lên đến tận đỉnh ngọn thác. Ban đầu vẫn nghĩ lên đến đỉnh thác là hết đường. Nhưng không, hai anh em phát hiện ra con đường này còn dẫn sâu về phía trước nữa. Vậy là cứ tiếp tục tiến lên với hy vọng biết đâu trên kia sẽ có một chiếc cầu bắt qua sông. Qua được sông là thế nào cũng có đường đến thác Dray Nur.

 

img_0958

Đường lên đỉnh thác

img_0986

Trên đỉnh ngọn thác là dòng nước trong vắt và những bông hoa thủy sinh

Cuối cùng thì cũng không phải nốt. Con đường lát đá dù rất khiêu khích bước chân người hay khám phá nhưng rốt cục chỉ là đường dẫn vào rẫy cà phê của bà con trong vùng. Mùa này cà phê vừa thu hoạch xong và đang được phơi khắp các sân làng, cả trong thành thị nữa, nên khắp rẫy cà phê chỉ còn sót lại vài chùm quả quá lứa và cả vài đóa hoa trắng lỡ thì.

img_1008

img_0998

Những đóa hoa nở muộn

Vẫn chưa từ bỏ ý định tìm đường tắt đến thác Dray Nur, hai anh em quyết định sẽ băng sông sau khi phát hiện ra một khúc sông hẹp nước chỉ mấp mé đầu gối và cách ngọn thác to lớn phía dưới một khoảng xa an toàn. Đá dưới lòng sông khá trơn trong khi nước thì chảy siết nên cũng phải vài lần loạng choạng suýt ngã nhào mình và ông anh mới mò qua tới bờ phía bên kia. Nhưng cũng nhanh như cái ý tưởng vượt thác ban đầu, cả hai không khó phát hiện ra rằng đây không phải là con đường cần tìm – tất nhiên là sau khi đã liều mạng băng cả vào rẫy cà phê bờ bên kia thêm một đoạn xa xa nữa.

img_1010

Chuẩn bị vượt thác

Hai anh em lủi thủi vượt sông trở về phía bờ cũ để còn kịp giờ đi tiếp tới thác Gia Long. Đây cũng là đoạn đường mà lúc trước do không có phương tiện nên mình và hai đứa em đồng hành đã không đi tiếp. Đoạn đường xuyên rừng này dù vắng nhưng khá đẹp và dễ đi. Có cả một tốp bộ đội đóng quân ven đường nên việc hỏi hướng đến thác Gia Long cũng không khó khăn lắm.

Gia Long là một thác nhỏ so với Dray Nur và Dray Sap, nhưng vào mùa mưa thì không thua kém bất kỳ con thác nào còn lại của Tây Nguyên. Phía bờ bên kia của thác còn có một cầu treo phục vụ khách du lịch. Còn ở bờ bên này – nơi tụi mình đang đứng – chỉ có thể ngắm thác từ đằng xa, và ngắm luôn cả tốp người đang giật mìn bắt cá lăng phía dưới đó.

img_1023

Thác Gia Long phía tả ngạn hoang vắng, từ đây có thể thấy chiếc cầu treo nho nhỏ bên hữu ngạn

Bọn mình rời thác Gia Long để theo con đường chính thống vào thác Dray Nur. Gọi là đường chính thống nhưng đúng kiểu vừa xấu xừa xa, tuy nhiên bù lại đoạn cuối thì đúng chất những con đường đá đỏ quen thuộc xứ này. Nếu là người tình cờ đến đây lần đầu thì thật khó hình dung ra cuối con đường đất ấy lại là một khu du lịch bề thế hẳn hoi. Và mặc cho cách bố trí của khu du lịch kế bên nó tỏ ra không ăn nhập hay tôn thêm chút gì vẻ đẹp vốn có của con thác, thì với mình Dray Sap mãi mãi vẫn là thác đẹp nhất Tây Nguyên,

img_1031

Toàn cảnh Dray Nur…

dscf1158

…nhìn từ cầu treo

img_1040

Chài lưới bắt cá dưới thác

Bình luận về bài viết này