Ban Mê (P2): Một lần đến hồ Lắk

Hai anh em rời khỏi thác Drây Nur vào khoảng giữa trưa để kịp đến hồ Lắk, không quên tâm nguyện từ nay về sau không dùng mật ong rừng nữa sau khi khám phá ra lũ ong nuôi gần đấy có sở thích rủ nhau bay vào nhà vệ sinh để đáp lên những nơi lẽ ra chúng không được phép đáp. Cũng chẳng thiết tha gì với ly cà phê miễn phí của khu du lịch nằm tít tận bên kia cầu treo mà mình và ông anh đã vô tình bỏ lỡ.

Trở lại con đường cũ, chiếc chiến mã sắt ọp ẹp tiếp tục nai lưng đưa hai ông tướng lao trên những con đường đất đỏ mù mịt bụi, băng qua các ngôi nhà sàn gỗ và những sân phơi đầy cà phê. Cà phê đã qua vụ thu hoạch, giờ chỉ còn đợi phơi khô trước khi được đem bán cho thương lái. Có lẽ hai màu điển hình nhất của Tây Nguyên này chính là màu nâu đỏ của đất và màu nâu đen của những hạt cà phê đang mùa hong nắng.

img_1043

Mùa phơi cà phê

Đường đến hồ Lắk nếu đi từ hướng Ban Mê Thuột khá thuận lợi với Quốc lộ 27. Nhưng vì một phần để tiết kiệm thời gian, một phần cũng là để khám phá những cung đường mới nên bọn mình chọn con đường tắt (nghĩa là đặt niềm tin tuyệt đối và phó thác tất cả vào Google Maps). Mình và ông anh cũng có thừa những lần nếu “trái đắng” khi đường trên bản đồ một đằng mà thực tế lại cho kết quả một nẻo, xấu ngoài sức tưởng tượng. Nhưng cả hai hoàn toàn đồng ý rằng nếu cứ theo một lịch trình an toàn mãi thì chắc chuyến đi nào rồi cũng mất đi hết phân nửa cuộc vui, vậy nên cứ đi thôi.

Và thực tế thì đường xấu thật. Hết đường nhựa thì tới đường đất. Hết đường đất bụi mù mịt và đầy hố voi lại đến những con đường đang trải đá đủ loại to nhỏ lởm chởm. Ông anh không hổ danh là tay lái lụa, điều khiển con xe hết lượn vòng vòng tránh ổ gà này lại nhảy tưng tưng trên những cục đá khác, còn thằng ngồi sau thì chỉ biết thở nhẹ, vì sợ thở mạnh quá biết đâu rớt xuống giữa đường cũng nên.

img_1050

Đàn bò ung dung trên đường

Giữa đường bọn mình còn có thêm  bạn đồng hành là hai vợ chồng anh chị người địa phương. Họ cũng đang đến hồ Lắk để bán cá. Anh bảo chỉ cần chạy hết con đèo, rẽ trái một quãng là đến thị trấn Liên Sơn. Bọn mình cám ơn rồi tranh thủ chạy trước cho kịp thời gian. Quả là có một con đèo thật. Đường dưới chân đèo là đường đất nhưng đường đèo lại là đường nhựa, có vẻ như con đường nhựa này cũng đã được xây dựng từ lâu vì trông khá nhỏ và xuống cấp. Tuy nhiên cũng có những con dốc quanh co để hai gã lang thang thỏa mãn cảm giác phiêu lưu.

img_1056

Một căn nhà nhỏ ven đường

Hết con đèo là khu dân cư của đồng bào trong vùng. Đến đây muốn hỏi đường tiếp cũng ngại vì không biết dân làng có sõi tiếng Kinh không. Mình lại nhớ đến lần hỏi đường từ Ba Tơ đến đèo Vi-ô-lắc còn bao nhiêu cây (số) thì ông chú người bản địa lại bảo: “Gần lắm, khoảng mấy ngàn cây (rừng) thôi”. Bọn trẻ trong làng thấy hai gã lạ hoắc dắt xe qua đoạn đường lầy thì có một phen tha hồ chỉ trỏ, bình luận. Mình không hiểu nội dung trao đổi giữa chúng là gì nhưng chắc cũng có liên quan đến vài vấn đề như: “Chúng nó ở đâu mò đến đây?”, “Xem hai thằng gà kìa tụi bây ơi”, “Đường như thế mà cũng không chạy xe được”, vâng vâng… Bí quá nên hai anh em đành dừng xe đứng chờ vợ chồng anh bán cá vừa gặp ban nãy chạy đến để đi cùng đoạn đường còn lại. Phải một lúc lâu sau họ mới bắt kịp. Như có thêm viện binh, vậy là lại cỡi ngựa sắt phi nước kiệu tiếp tục cuộc hành trình.

Nhưng bất ngờ lại nằm ở cuối con đường. Thì ra phải qua tiếp một con đò nữa mới tới được hồ Lắk. Ông anh có vẻ khoái chí. Từ trước tới nay cứ nghĩ lên vùng cao, vùng núi thì chỉ có đường đèo, đường rừng, đường đồi dốc, chứ có ai tưởng tượng ra chạy hết con đèo lại qua một chuyến phà y hệt xứ miền Tây sông nước bao giờ. Mà đoạn sông trông có vẻ cũng mênh mông và thênh thang lắm (về sau tra Google mới biết đó là sông Ea Krông Ana).

img_1060

Qua sông bằng đò, phía trước là hai anh chị gặp gỡ giữa đường

img_1064

Trừ những ngọn núi ra thì khung cảnh cũng không khác miền Tây là mấy

Qua sông là đến buôn Liêng với những ngôi nhà dài phần lớn đã được lợp mái tole phẳng phiu đủ màu. Mỗi nhà dài ở đây đều có một khoảng sân rộng phía trước. Trên khoảng sân ấy là những chú bò, lợn, gà, vịt đang thủng thẳng nằm nghỉ hoặc lơn tơn kiếm ăn, kiểu như muốn quảng bá về mặt hình ảnh cho hai thằng khách phương xa biết rằng: “Các ông ạ, nơi này yên bình lắm, có muốn chụp ảnh lưu niệm thì mau lẹ lẹ chụp đi”.

img_1069

img_1072

Ra khỏi buôn Liêng một quãng thì mình và ông anh rẽ theo lối tắt vào buôn Jun, cũng là một trong hai điểm tham quan chính ở hồ Lắk. Sau khi đi hết lối tắt và được bọn trẻ bản địa gặp giữa đường chào đón bằng một câu tiếng Kinh mang “màu sắc Đan Mạch” thì hai anh em mới ngộ ra có một con đường nhựa chính thống dẫn vào buôn Jun gần hơn và sạch sẽ hơn, với những đứa trẻ mang ánh mắt nồng nhiệt và hồn nhiên hơn, cách không xa con đường tắt lầy lội là mấy.

img_1076

Con đường tắt lầy lội phía bên phải

Buôn Jun nằm ven bờ hồ, là một buôn du lịch hẳn hoi. Buôn cũng có những sân phơi tràn cà phê, những đàn gà, những chú lợn ung dung dạo bước, chỉ khác một điều là có thêm rất nhiều quầy hàng lưu niệm. Hồ Lắk ở cuối đường vào buôn. Nó là hồ lớn nhất Tây Nguyên và là một trong vô số những hồ nước lớn bé của Đắk Lắk. Có vẻ như Đắk Lắk là tỉnh có nhiều hồ nhất Việt Nam thì phải, bởi từ thác Drây Nur đến đây, dọc đường mình đã qua không biết bao nhiêu là cái hồ lớn bé, có tên và chưa biết tên, đó là còn chưa kể đến những hồ khác mà mình chưa kịp để ý tới.

img_1071

Hồ cuối đường

img_1090

Thuyền độc mộc

Gió hồ Lắk thổi lồng lộng, làm sóng cũng theo từng đợt xô vào bờ. Phía xa là những chú voi to lớn đang bước từng bước chầm chậm chở khách ngắm cảnh. Mình một phần không ủng hộ việc khai thác quá mức sức của lũ voi để kiếm tiền, một phần vì thấy cũng lãng phí một số tiền kha khá cho việc cưỡi voi nên không có hứng thú tham gia. Ông anh chắc cũng đồng quan điểm nên hai anh em chỉ đứng ngắm hồ một lúc rồi quay xe tìm đường lên Biệt điện Bảo Đại ngắm cảnh để tranh thủ về lại Ban Mê Thuột trước lúc trời tối.

dscf1221

img_1086

Quản tượng và những chú voi

img_1095Một góc Biệt điện

img_1101

Quốc lộ 27 trở về Ban Mê Thuột

Bình luận về bài viết này