Ban Mê (P3): Có hai quỷ già săn hoa dã quỳ

Hai anh em về đến Ban Mê Thuột thì trời cũng bắt đầu nhá nhem tối. Nghĩ, nếu ban nãy ghé lại tảng đá Voi Mẹ thì giờ này chắc mới chạy được nửa đoạn đường về. Thực ra Quốc lộ 27 trơn tru không khó đi, nhưng sau khi mục sở thị trình điều khiển xe vô tư lự kiểu bốn phương là “đường nhà mình” của không ít người dân nơi này thì tay lái lụa Đông Triều cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Vừa mệt, vừa đói lại vừa dơ nhưng ưu tiên cho cái bụng trước nên mới mò vào thành phố là hai anh em lao đi tìm quán ăn ngay. Nhà bác học Google mách rằng ở phố núi này có món bánh ướt chồng dĩa là nổi bật, đáng thưởng thức. Món này lúc mới tới lần đầu mình cũng từng nếm thử, nhưng giờ lại quên mất địa chỉ. Khi tìm ra được địa chỉ trên mạng (đường Trần Nhật Duật) thì tới nơi lại không thấy quán đâu. Cuối cùng sau khi sử dụng quyền trợ giúp gọi điện thoại cho người thân (chính là cu Sơn – chú em trước đây từng trọ chung với mình khi còn ở Sài Gòn) mình mới cập nhật được địa chỉ chính xác. Thì ra quán đã dọn về chỗ mới cách địa chỉ cũ không xa lắm.

Quả đúng như lời đồn, nếu xét về mức độ tao nhã (hay nói bình dân ra là mức độ “rảnh ruồi”) thì món ăn này chắc chắn sẽ có mặt ở tốp đầu. Gọi là bánh ướt, nhưng không phải là dạng bánh ướt “sỗ sàng” chang với nước mắm mọi người vẫn thường thấy bày bán ngoài đầu chợ, bánh ướt quán này được tráng thành từng miếng mỏng, và mỗi một miếng được đặt trên một cái dĩa riêng hẳn hoi. Khi ăn khách chỉ việc gắp thịt nướng, chả lụa, đồ chua,… đặt lên bánh, cuộn lại như cuộn gỏi cuốn, rồi chấm nước mắm hoặc mắm nêm tùy sở thích, cứ thế mà dĩa chồng dĩa. Tuy nhiên phải công nhận là bánh ướt ở đây rất ngon, bánh mỏng nhưng dai và mịn, thịt nướng nêm nếm vừa ăn, mắm nêm đậm đà. Chỉ có điều muốn ăn no khách phải tốn công gọi liên tục, chắc cũng là một cách để khách không phải đầy hơi.

img_1119

img_1122

Về phần bọn mình, sau khi đã chén sạch một chồng dĩa kha khá thì hai cái bụng vẫn còn biểu tình muốn đòi thêm món khác. Vậy là hai anh em lại cỡi em ngựa sắt đến một quán nem nướng Ninh Hòa gần đấy làm thêm hai phần nem nữa mới chịu buông đũa.

Ngoài món bánh ướt chồng dĩa ra thì Ban Mê còn có một món khá lạ tai đối với người xứ khác. Đó là bún đỏ.

Bún đỏ là món nấu theo dạng bún nước. Nếu hỏi bún đỏ gần giống với món nào trong đại gia đình các món bún thì mình có thể kết luận ngay là nó có nét hao hao với người anh em bún riêu nhất. Chỉ khác ở chỗ sợi bún đỏ to hơn bún riêu (giống với sợi bánh canh bột lọc) và tất nhiên, phải có màu đỏ. Nếu không tính thêm vài quả trứng cút và một ít cải luộc ăn kèm ra thì trông cũng không khác nhiều với bún riêu là mấy.

img_1278

Bún đỏ Thu đường Lê Hồng Phong

Sáng hôm sau hai anh em lại dong ngựa sắt hướng về Buôn Đôn. Có lẽ nhắc tới vùng đất này mà bỏ qua địa danh du lịch Buôn Đôn thì quả thật là một thiếu sót. Nhưng chắc vì nó là địa điểm quá nổi tiếng đối với du khách, bị du lịch hóa quá mức nên thành ra sự cuốn hút của nó cũng không còn nhiều đối với mình. Nếu bỏ qua hệ thống cầu treo, các quầy hàng lưu niệm và dịch vụ khai thác sức lực của những con voi ra thì mình cũng chẳng biết nơi này còn lại những gì.

img_1198

Con voi như đang cười

img_1200

Phút giây nghỉ ngơi

Trở lại Ban Mê vào giữa trưa, trong khi đang loanh quanh tìm đường đến buôn Ako Đhông thì hai anh em bỗng phát hiện ra cuối đường Nguyễn Đình Chiểu vàng rực cả một vùng hoa dã quỳ. Cứ nghĩ sau những trận mưa dai dẳng bất thường cuối năm thì dã quỳ đã rụng cánh hết, vậy mà không ngờ ờ khu đất người ta đổ xà bần này vẫn còn sót lại những đóa dã quỳ đang độ căng tràn sức sống. Loài hoa này cũng thật lạ, chẳng cần ai trồng, cũng chẳng cần người ta phải tốn công chiều chuộng chăm sóc, vậy mà cứ đến mùa là lại nhuộm vàng cả một góc phố, đủ khiến cho người qua kẻ lại phải dừng chân ngước nhìn, và làm cho những ai yêu thích những điều đơn sơ bình dị trong cuộc sống một phen phải nao lòng. Xem như chuyến đi lên vùng cao săn dã quỳ của hai thằng “quỷ già” lần này đã thành công tốt đẹp.

img_1222

img_1233

img_1230

Thực tế cũng không lung linh lắm

Nếu hỏi nơi nào mình muốn đến nhất ở thành phố này thì đó chắc chắn là buôn Ako Đhông. Vậy nên mình và ông anh không lưu lại mấy bụi dã quỳ lâu vì còn phải tranh thủ thời gian đến buôn cách đấy không xa. Người ta gọi buôn này là buôn giàu có nhất ở Tây Nguyên cũng chẳng sai. Giàu về mặt vật chất, đồng thời cũng giàu theo nghĩa bảo tồn văn hóa truyền thống. Ở đây phía sau những ngôi nhà dài bằng gỗ được chăm chút rất đẹp, rất tỉ mỉ là những căn nhà tường hiện đại, nhưng vẫn đảm bảo nét hiện đại không át đi vẻ đẹp của nét truyền thống. Cũng không có cảnh la liệt quầy hàng lưu niệm, và ngay cả một quầy tạp hóa cũng bày trí sao cho đẹp đến phát hờn.

dscf1364

Cầu thang với hai cái “mấp mô” huyền thoại

img_1242

Buôn chuẩn bị đón Noel

img_1249

Một shop nho nhỏ

Mình giục anh Triều xuống phía dưới thung lũng của buôn, nơi có quán cà phê siêu đẹp bên hồ nước xanh biếc mà mình từng ghé qua năm năm về trước. Thì ra bây giờ nó đã trở thành một phần của khu du lịch Yang Sing. Con đường đá đỏ ngày nào len lỏi dưới bóng của hàng cây cao vút dẫn lối tới những căn nhà tranh nay đã được bê tông hóa sạch sẽ và cứng nhắc. Khu nhà tranh vách lá khi trước cũng được thay thế gần hết bởi nhà hàng, quán cà phê hiện đại. Không tìm lại được cảm giác bình yên ban đầu nên mình cũng chẳng cần nán lại lâu hơn làm gì.

Trước khi về lại miền Tây, hai anh em mình còn kịp bon chen tới khu du lịch Ko Tam, rồi quay về tận hồ Ea Kao hóng hoàng hôn mới chịu nói lời chia tay phố núi, không quên hẹn một ngày không xa sẽ trở về thăm lại những chặn đường đã qua, như những người bạn cũ.

dscf1414

Kỷ niệm cùng chị gái Ê đê tại Ko Tam

img_1268

Chiều trên hồ Ea Kao

img_1150

Những nẻo đường đất đỏ chúng tôi đã qua… Và sẽ trở lại.

Bình luận về bài viết này